29 tuổi vay nợ mua nhà vì muốn an cư lạc nghiệp, 31 tuổi tôi hối hận vì vô số áp lực khác tàn khốc hơn: Không tính toán kỹ thì rất dễ “sốc”!

29 tuổi vay nợ mua nhà vì muốn an cư lạc nghiệp, 31 tuổi tôi hối hận vì vô số áp lực khác tàn khốc hơn: Không tính toán kỹ thì rất dễ "sốc"!

Quyết tâm vay ngân hàng, sẵn sàng trả nợ nhiều năm để sở hữu tổ ấm của riêng mình ở thành phố lớn, nhiều người trẻ bị sốc khi phát hiện ra cuộc sống còn nhiều thứ áp lực mà họ phải đối mặt. Những người từng rất ráo riết mua nhà, chấp nhận phải vay nợ, giờ lại đang hối hận vì quyết định của mình.

Từ xưa, mọi người đã quan niệm rằng: “An cư lạc nghiệp”, tức có nhà cửa ổn định thì mới yên tâm làm việc, mà ngôi nhà chính là nền tảng vật chất cơ bản để xây dựng một gia đình.

Vài năm trở lại đây, thị trường nhà ở thương mại ở các thành phố lớn phát triển cực kì nhanh chóng. Giá bất động sản liên tục tăng cao. Dù hiện nay, thị trường đang có những biến động không nhỏ, nhưng để sở hữu một ngôi nhà tại thành phố lớn không phải điều dễ dàng đối với đa số mọi người.

29 tuổi vay nợ mua nhà vì muốn an cư lạc nghiệp, 31 tuổi tôi hối hận vì vô số áp lực khác tàn khốc hơn: Không tính toán kỹ thì rất dễ sốc! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hiện tại, với thu nhập bình quân người Việt Nam vào khoảng 7,5 triệu đồng/tháng, thì phải mất gần 50 năm “nhịn ăn, nhịn tiêu”, một người mới có thể mua được một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ.

Muốn sở hữu tổ ấm riêng của mình, anh Trần Thanh, 31 tuổi chấp nhận mua nhà trả góp.

Hai năm trước, anh suy nghĩ, phải cố gắng nhất có thể để có cái nhà, dù gánh nợ cũng phải chấp nhận. Bởi cái nhà là gánh nặng, là trách nhiệm lớn nhất cuộc đời người đàn ông. Nợ có thể trả từ từ, còn đợi có tiền mua nhà thì chỉ có trúng xổ số mà thôi.

Sau 7 năm đi làm, anh Thanh tiết kiệm được số tiền khoảng 500 triệu đồng, vay người thân được 200 triệu. Anh quyết định đặt cọc mua một căn hộ 2 phòng ngủ với giá 1,7  tỷ đồng ở một khu đô thị ở Tây Mỗ, Hà Nội. Trả trước 500 triệu đồng, anh vay trả góp ngân hàng 1 tỷ đồng với mức lãi suất sau ưu đãi 9% trong 20 năm.

Với lãi suất ngân hàng đó, anh Thanh cần trả góp mỗi tháng 11-12 triệu đồng. Anh Thanh tính toán, bởi vẫn còn độc thân, thu nhập hàng tháng 17-20 triệu đồng, anh Thanh khá tự tin bản thân có thể gồng gánh khoản nợ. Sau này, anh sẽ tiếp tục tìm cách tăng thu nhập. Khi lấy vợ, thì có sẽ có thêm người đỡ đần.

Tuy nhiên, sang tới năm 2023, lãi suất ngân hàng tăng cao, khiến khoản lãi và gốc Anh phải trả hàng tháng cho ngân hàng đội lên, trong khi thu nhập không tăng, anh Thanh khá chật vật để xoay tiền mỗi tháng. Cứ đến kỳ lương, sau khi trừ đi số tiền phải trả nợ ngân hàng, anh chỉ còn khoảng 4-5 triệu đồng để chi tiêu. Vì thế cuối tháng, anh lại phải xoay xở vay tiền bạn bè để chi tiêu, sinh hoạt.

Mặc dù có ngôi nhà của riêng mình, nhưng cuộc sống tằn tiện, chắt bóp khiến anh khá bức bối. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh Thanh tính toán có lẽ phải bán nhà để đỡ áp lực trả nợ. Số tiền bán nhà anh có thể đầu tư vào bất động sản khác giá phù hợp hơn hoặc tìm cách làm ăn sinh lời.

Những cú tăng “sốc” giá nhà, tăng lãi suất ngân hàng dường như khiến giấc mơ an cư lạc nghiệp của đa số người trẻ tuổi ngày càng xa vời. Bởi cuộc sống không chỉ có mỗi khoản tiền mua nhà, họ còn phải chịu vô số áp lực khác:

29 tuổi vay nợ mua nhà vì muốn an cư lạc nghiệp, 31 tuổi tôi hối hận vì vô số áp lực khác tàn khốc hơn: Không tính toán kỹ thì rất dễ sốc! - Ảnh 2.

Thứ 1: Tiền vay mua nhà chỉ là một trong những khoản cần chi tiêu

Hiện nay, rất nhiều cặp vợ chồng đang gánh khoản vay mua nhà, thậm chí có người mỗi tháng phải trả cả gốc lẫn lãi lên đến hàng chục triệu đồng. Trong tình cảnh đó, phần lớn những người vay tiền để mua nhà đều dùng thu nhập hàng tháng để trả nợ và không còn nhiều tiền để trang trải cuộc sống.

Phải hiểu rằng, một gia đình muốn sống lâu dài ở thành phố, ngoài không khí là miễn phí ra thì những thứ khác đều cần dùng tiền để chi trả. Chẳng hạn một tháng phải trả tiền điện, tiền nước, tiền gas, tiền đỗ xe, tiền sinh hoạt…

Vì thế, nếu tiền vay mua nhà chiếm phần lớn trong thu nhập, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến mức sống của gia đình, tình trạng không dám chi tiêu là một hiện trạng khá tàn khốc của những gia đình vay tiền mua nhà.

29 tuổi vay nợ mua nhà vì muốn an cư lạc nghiệp, 31 tuổi tôi hối hận vì vô số áp lực khác tàn khốc hơn: Không tính toán kỹ thì rất dễ sốc! - Ảnh 3.

Thứ 2: Nợ nần khiến khả năng đối mặt với rủi ro của gia đình giảm sút

Khi phần lớn thu nhập trong tháng đều dùng để trả nợ thì việc tiết kiệm sẽ trở nên vô cùng khó khăn với những người làm công ăn lương. Họ thường xuyên phải trải qua những ngày tháng làm bằng mai ăn bằng chiều, thu không đủ chi.

Thế nhưng, thói quen ăn uống của con người trong cuộc sống hiện đại đã có nhiều thay đổi nên việc một số thành viên trong gia đình đau ốm là điều không thể tránh khỏi. Cho dù chỉ là bệnh nhẹ, đau nhức, mỗi lần đến bệnh viện thăm khám cũng đã tiêu tốn mấy triệu đồng. Huống chi là bệnh nặng, điều này sẽ tạo ra gánh nặng tài chính cực lớn cho gia đình.

Cho nên, những người vay tiền mua nhà rất sợ bản thân hoặc các thành viên trong gia đình mắc bệnh. Bởi vì kiếm đủ tiền trả nợ đã khiến họ vô cùng bận rộn, choáng váng, không thể nào có đủ sức lực cũng như điều kiện kinh tế để xử lý những vấn đề khác.

Thứ 3: Người đang gánh nợ áp lực về tinh thần rất lớn, chỉ số hạnh phúc thấp

29 tuổi vay nợ mua nhà vì muốn an cư lạc nghiệp, 31 tuổi tôi hối hận vì vô số áp lực khác tàn khốc hơn: Không tính toán kỹ thì rất dễ sốc! - Ảnh 4.

Mỗi ngày thức dậy đều nghĩ đến tiền nợ ở ngân hàng, đây là cuộc sống hàng ngày của đại đa số những người vay tiền mua nhà. Lâu dần sẽ tạo ra áp lực tinh thần cho người trả nợ, từ đó gây ra tình trạng đau đầu mất ngủ, cơ thể cũng vì thế sản sinh ra nhiều vấn đề.

Thế nên, những người đang gánh một khoản nợ mua nhà lớn cơ bản đều không cảm thấy vui vẻ, đôi khi chỉ biết thở dài bất lực với cuộc sống.

Hầu hết mọi người hiện nay đều cho rằng, khoản nợ vay mua nhà là một hòn đá đè nặng đối với người trẻ, khiến họ luôn sống trong lo lắng, họ không dám làm, không dám thử và thận trọng trong mọi việc. Vì họ sợ rằng nếu không cẩn thận sẽ không có tiền trả nợ, bị ngân hàng truy tố, rơi vào cảnh mất cả tiền lẫn nhà.

Lưu Ly

Nhịp sống thị trường

cafef.vn