Bạn bè kiếm tiền tỷ từ thu nhập thụ động, nhiều người sốt ruột vào theo: Nhưng phần lớn “ngã ngựa” ngay từ bước này
Nhiều người dấn thân vào kiếm một nghề tay trái, nhưng lại gặp đủ thứ rắc rối. Cũng có trường hợp thậm chí ảnh hưởng luôn cả công việc chính, cuối cùng “trắng tay”, mất cả chì lẫn chài.
Đồng nghiệp dò xét, bạn bè phản cảm
Những rắc rối khi bắt đầu kinh doanh tay trái là gì?
Nếu có ai đặt ra câu hỏi như vậy với Hà Liễu (30 tuổi, Hà Nam), cô trả lời ngay: “Đó là thay đổi hình ảnh cá nhân, đặc biệt là trong mắt đồng nghiệp hoặc lãnh đạo.”
Liễu kể, lúc đầu khi mới bán hàng online, cô làm việc rất “lỗ mãng” khi đăng bán sản phẩm trực tiếp trên trang cá nhân, để chế độ công khai. Cô đã biến tài khoản cá nhân trở thành nơi bán hàng, biến các mối quan hệ xung quanh thành khách hàng tiềm năng để khai thác.
Khi đó, Liễu không ngờ rằng, điều này đã để lại ảnh hưởng tiêu cực.
Là một người làm truyền thông, cô có khoảng 4.000 bạn bè trên mạng xã hội, hầu hết trong số họ là những người điều hành doanh nghiệp, các startups thành công, những người thành đạt và rất nhiều đồng nghiệp trong ngành. Có thể nói, đây là một tệp người dùng chất lượng cao, có sự khó tính nhất định.
Trước đó, Liễu từng gặp gỡ, nói chuyện rồi kết bạn với một nữ CEO thông qua một buổi sự kiện. Cả hai có ấn tượng khá tốt nên thỉnh thoảng có liên lạc, tương tác với nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian kể từ khi Liễu đăng bài bán hàng, cô bỗng phát hiện đối phương đã hủy trạng thái kết bạn.
Không biết từ lúc nào, khi mọi người trong công ty nhắc đến Liễu, họ không còn gọi cô là “Chuyên viên truyền thông”, “Nữ phóng viên trẻ tài năng”, “Tay bút thần tốc”… nữa. Thay vào đó là những danh hiệu như “cô nàng bán hàng online”, “hotgirl bán quần áo”…
Khi Liễu đi liên hệ phỏng vấn với các nhà lãnh đạo của một vài tập đoàn, công ty danh tiếng, phản hồi từ họ cũng không còn mặn mà như trước đây. Thậm chí, cô phát hiện ra rằng, sau khi từ chối mình, CEO của tập đoàn công nghệ A lại nhận lời phỏng vấn của một đồng nghiệp khác ngay trong cùng công ty.
Điều này khiến Liễu vô cùng suy sụp. Cô cảm giác sự nghiệp chính của mình đang bị “hủy hoại” bởi chính nghề tay trái.
Áp lực là động lực để hoàn thiện hơn
Thu Minh (27 tuổi, Hà Nội) là một người khác cũng có chung những lo ngại đó. Ngay từ khi mới bắt đầu ý định kinh doanh thêm, Minh đã phải cân nhắc đến thái độ của đồng nghiệp và cấp trên. Cô không muốn để lại ấn tượng rằng, mình bỏ bê công việc chính, chỉ chăm chăm lo kiếm tiền riêng.
Suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này, cuối cùng Minh quyết định phân chia danh sách kết bạn thành những nhóm riêng. Cô cố gắng hết sức để lọc ra đối tượng khách hàng tiềm năng, sau đó chỉ đăng bài bán hàng trong nhóm đó.
Muốn họ không có cảm giác bị làm phiền, Minh còn phải kiểm soát chặt chẽ tần suất và thời gian đăng bài, chẳng hạn như không quá 8 lần một ngày, ít nhất 1,5-2 giờ mới đăng một lần.
Cô còn tham gia vào những cộng đồng làm quảng cáo để học thêm rất nhiều về sáng tạo nội dung, chỉnh sửa hình ảnh, làm sao để khiến sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, mỗi lần đăng bài đều không tạo cảm giác nhàm chán, lặp đi lặp lại.
Sau khi công việc ngày càng khấm khá, doanh thu đạt được có xu hướng tăng trưởng đều đặn, Minh đã có thể mở một cửa hàng, sau đó liên kết với các sàn thương mại điện tử. Cô cũng không còn là người phải trực tiếp làm mọi thứ từ A-Z nữa mà thuê nhân viên đảm nhận. Định kỳ 2 lần/tuần, cô sẽ rà soát và kiểm tra lại toàn bộ số liệu, vào những khoảng thời điểm bất chợt. Điều này giúp cô có thời gian rảnh rỗi, mà vẫn nắm được chặt chẽ tình hình kinh doanh.
“Tôi coi trọng định hướng kết quả. Khi điều gì đó hiệu quả, tôi nhìn lại và thấy rằng nỗ lực này là đáng giá”, Minh tự hào.
Cân bằng giữa chính và phụ, phải làm sao?
Các bạn trẻ dấn thân vào nghề tay trái còn có một nỗi lo khác: Quỹ thời gian và sức lực hàng ngày có hạn, làm thế nào để cân bằng giữa việc chính và việc phụ?
Hầu hết thời gian, công việc của anh Đ.H (32 tuổi, Hà Nội) đã chiếm mất 8 tiếng mỗi ngày. “7h sáng dậy đi làm, 18h lại về nhà làm thêm, có khi đến 22h đêm, hầu như chỉ có nhiều thời gian rảnh hơn để nghỉ ngơi trong dịp Tết Nguyên Đán”, anh cho biết.
Vốn dĩ công việc chính đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực. Khi cáng đáng thêm cả công việc phụ, anh thường cảm thấy một ngày không bao giờ đủ dùng. Đặc biệt, khi có những vấn đề bất ngờ phát sinh, điều đó thường đảo lộn mọi giờ giấc và kế hoạch công việc khác. Thời điểm bận rộn nhất, anh gần như chỉ ngủ được khoảng 3-4 giờ mỗi ngày.
“Đôi khi đầu óc tôi quay cuồng cả ngày trong công việc, và tôi cảm thấy có lỗi vì đã không trả lời khách hàng kịp thời nhưng thực sự không có đủ năng lượng để tiếp tục làm nữa”, Đ.H nói.
Anh hiểu rằng công việc kinh doanh phụ thực sự là một nguồn thu nhập thụ động khá tốt khi đã vào guồng. Do đó, anh liên tục phải nhắc nhở bản thân không được buông lơi, phải kiểm soát được tình trạng của mình.
Trong quá trình cân bằng công việc kinh doanh chính và kinh doanh phụ, Đ.H cũng nhận thấy rằng mình buộc phải phân biệt và xếp thứ tự ưu tiên.
“Dù muốn hay không, tôi cũng cần thận trọng hơn và luôn để công việc phụ là Kế hoạch B,” anh Đ.H nói. “Tôi chỉ hy vọng công việc phụ sẽ mang lại cho tôi thêm một nguồn thu nhập, cho dù không vượt quá thu nhập chính cũng được.”
“Ví dụ, trước đây mỗi khi bán một chiếc máy tính, tôi kiếm được gần 1 triệu đồng, nhưng bây giờ tôi có thể lãi được 30-35%. Nếu có dịch vụ hậu mãi, thời gian và chi phí vận chuyển phát sinh cũng sẽ được khấu trừ vào khoản lợi nhuận này,” Đ.H nói. Hiện tại, anh đang xem xét phương án để tối ưu chi phí đầu vào, nhưng việc này yêu cầu nhiều thời gian.
Điều quan trọng ở những người trẻ không còn là “kiếm được bao nhiêu”, mà quan trọng là ý thức “không muốn tiếp tục nằm yên”. Họ đang bắt đầu đấu tranh nhiều hơn, có những ý tưởng và mục tiêu rõ ràng hơn để hoạch định cuộc đời. Đó cũng chính là động lực để tiến về phía trước, mang tới cho mọi người hy vọng và sức mạnh mới cho tương lai.
Thể thao & Văn hóa