Bạch đậu khấu có tác dụng gì?
Bạch đậu khấu là dược liệu có tác dụng làm ấm dạ dày, hành khí… nên thường được dùng trong các bài thuốc điều trị chán ăn, đau họng, cảm lạnh, co thắt bụng hoặc ợ hơi… Ngoài ra, dược liệu này còn được sử dụng giúp cải thiện các vấn đề về mật, thận và làm tăng hưng phấn khi quan hệ tình dục.
1. Đặc điểm cây bạch đậu khấu
Bạch đậu khấu là gì và có đặc điểm như thế nào? Cây bạch đậu khấu hay còn được gọi là bạch khấu xác, xác khấu, đới xác khấu, có tên khoa học là Amomum Repens Sonner – thuộc họ Zingiberaceae. Bạch đậu khấu thuộc loại cây thảo và có những đặc điểm như sau:
- Chiều cao cây khoảng từ 2 – 3m, thân rễ nằm ngang và có độ rộng khoảng bằng ngón tay;
- Lá cây dài khoảng 55cm, rộng 6cm hình mũi mác hoặc hình dải và nhọn hai đầu. Mặt trên của lá nhẵn, mặt dưới có lông rải rác;
- Hoa cây màu trắng tím mọc thành cụm nằm ở gốc của thân mang lá, chiều dài cụm hoa khoảng 40cm. Cuống hoa ngắn và chứa từ 3 – 5 hoa.
- Quả cây hình cầu dẹt đường kính từ 1 – 1,5cm và thường có 3 mũi, mặt ngoài của quả màu trắng và có vân dọc. Trong mỗi quả chứa từ 20 – 30 hạt được gọi là khấu mễ hoặc khấu nhân, hạt bạch đậu khấu có chứa hàm lượng lớn tinh dầu. Vỏ quả giòn nên dễ bị nứt và lộ hạt bên trong ra, vỏ sau khi được bóc ra được gọi là Đậu khấu xá (Vỏ đậu khấu) có mùi thơm nhẹ nhàng.
Hoa và quả bạch đậu khấu là những bộ phận được sử dụng làm dược liệu. Trong đó, quả được thu hái ở giai đoạn chuyển từ màu xanh sang màu vàng, thời điểm thu hái thích hợp là mùa thu và thu hái ở những cây từ 3 năm tuổi trở lên. Sau khi thu hái đem phơi khô trong bóng râm và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy dược liệu bạch đậu khấu chứa 2,4% tinh dầu với các thành phần hóa học chính là bomeol, caryophyllene, eucalyptole, carvone, terpinene, humulene, sabinene, pinene, laurelene, camphor, myrtenal…
2. Bạch đậu khấu có tác dụng gì?
Vị thuốc bạch đậu khấu có tính ấm, vị cạt và quy vào kinh Tỳ, Vị và Phế. Vì vậy, dược liệu này được sử dụng trong điều trị bệnh ở cả Y Học Cổ Truyền và Y Học Hiện Đại:
Tác dụng theo Y Học Cổ Truyền: Theo Đông y, dược liệu bạch đậu khấu được sử dụng trong điều trị các triệu chứng như hành khí, ấm dạ dày, chống nôn, tiêu thực, trừ hàn, giã rượu, đau dạ dày, nôn mửa, tiêu chảy, khó tiêu…
Tác dụng theo Y Học Hiện Đại: Nghiên cứu trong Y Học Hiện Đại chỉ ra rằng các hoạt chất chứa trong dược liệu bạch đậu khấu có các tác dụng như sau:
- Ngăn ngừa sâu răng, trị hơi thở hôi: Nghiên cứu từ các nhà khoa học Ấn Độ cho thấy hoạt chất cineole trong bạch đậu khấu có công dụng sát khuẩn, tiêu diệt và ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn răng miệng như Streptococcus, Candida… từ đó giúp ngăn ngừa bệnh sâu răng, tiêu diệt vi khuẩn gây hôi miệng;
- Ngăn ngừa hình thành tế bào ung thư: Các nghiên cứu khoa học cũng phát hiện ra rằng, sử dụng bạch đậu khấu như thực phẩm chức năng có công dụng ngăn ngừa quá trình tiến triển thành tế bào ung thư từ các tế bào bình thường và giúp làm chậm quá trình hình thành ung thư da, ung thư ruột kết;
- Điều trị đái tháo đường: Hàm lượng lớn mangan trong bạch đậu khấu giúp mang lại những lợi ích lớn đối với người bệnh đái tháo đường;
- Hạ huyết áp an toàn: Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hóa sinh và sinh học Ấn Độ cho kết quả bột đậu khấu có công dụng hạ huyết áp tâm thu và tâm trương một cách an toàn.

Dược liệu bạch đậu khấu được sử dụng trong điều trị dưới dạng thuốc bột và thuốc sắc, liều dùng mỗi ngày tối đa từ 2 – 6g. Bên cạnh những lợi ích đối với sức khỏe, dược liệu này có thể gây ra một số tác dụng phụ cụ thể như sau:
- Viêm da tiếp xúc: Trường hợp nhạy cảm với các thành phần của bạch đậu khấu nếu sử dụng và tiếp xúc thường xuyên có thể dẫn đến viêm da tiếp xúc;
- Đau bụng mật: Một số thành phần trong dược liệu có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, từ đó làm tăng triệu chứng của đau bụng mật;
- Rối loạn tiêu hóa;
- Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy;
Một số tác dụng phụ khác có thể xuất hiện tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Vì vậy, trong trường hợp xuất hiện các biểu hiện bất thường sau khi sử dụng thuốc, người bệnh cần ngừng dùng thuốc và đến các cơ sở y tế để được kiểm tra chính xác.
3. Bạch đậu khấu trong các bài thuốc điều trị
Dược liệu bạch đậu khấu có nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người, vì vậy chúng được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian chữa bệnh như sau:
3.1. Bài thuốc điều trị chán ăn, đầy trướng bụng do lạnh
Bài thuốc được chế biến bằng cách sử dụng 6g bạch đậu khấu và 3g mỗi loại dược vị gồm trần bì, khương truật và hậu phác. Hỗn hợp được đun sôi trong 400ml nước sau đó đem chia thành 3 lần uống trong ngày. Sử dụng bài thuốc liên tục trong 3 ngày để đạt được hiệu quả cao.