Phân tích tế bào máu – Chỉ số PLT (tiểu cầu)

Trong cơ thể con người, tiểu cầu là một tế bào đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông cầm máu, hình thành các cục máu đông để bảo vệ sự vẹn toàn của mạch máu.

1. Vài nét về tế bào tiểu cầu trong máu người

Tiểu cầu (tên tiếng Anh: Platelets hay Thrombocytes) là một loại tế bào trong máu người. Tiểu cầu là một tế bào không có nhân, thực chất chúng là một mảnh tế bào của mẫu tiểu cầu (megakaryocyte), một loại tế bào bạch cầu sinh ra ở tủy xương.

Tiểu cầu là tế bào nhỏ nhất trong tất cả các tế bào máu, khi xem trên kính hiển vi, tiểu cầu là những đốm màu tím sẫm có đường kính chỉ bằng 20% hồng cầu. Tiểu cầu có hình tròn hoặc hình bầu dục với hai mặt lồi (giống như thấu kính) với đường kính xấp xỉ khoảng 2μm (dao động từ 1.2 – 2.3 μm) đường kính lớn nhất có thể lên đến 3μm.

Tiểu cầu
Tế bào tiểu cầu

Tiểu cầu trú ngụ trong các mạch máu và có nồng độ cao trong lách. Đời sống trung bình của một tiểu cầu kéo dài từ 7 – 10 ngày. Trong cơ thể, cơ quan chịu trách nhiệm tiêu hủy các tế bào tiểu cầu già cỗi là lá lách. Lách chính là nơi bắt giữ và tiêu hủy tiểu cầu cũng như các tế bào máu khác trong cơ thể. Những bất thường của lá lách như lách to có thể dẫn đến việc tăng quá trình bắt giữ và tiêu hủy tiểu cầu, làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu ngoại vi.

Do đó, trong nhiều trường hợp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm công thức máu cho thấy giảm tiểu cầu nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ lách nhằm giảm quá trình tiêu hủy tiểu cầu.

Xét nghiệm
Xét nghiệm công thức máu để biết số lượng tiểu cầu trong một thể tích máu
2. Số lượng tiểu cầu bình thường trong cơ thể

Chỉ số PLT (Platelet Count) – Số lượng tiểu cầu trong một thể tích máu.

Bình thường số lượng tiểu cầu trong máu thường vào khoảng 150.000 đến 400.000 tiểu cầu/μl máu (1 μl = 1 mm3), trung bình là 200.000 tiểu cầu/μl máu. Mỗi 1 lít máu sẽ có khoảng 150 – 400 tỷ tế bào tiểu cầu.

Các giá trị về số lượng tiểu cầu bình thường trong xét nghiệm công thức máu của mỗi người sẽ khác nhau và sẽ có sự thay đổi tùy theo trạng thái tâm lý của người bệnh, giới tính, độ tuổi, chủng tộc và đặc biệt là thiết bị làm xét nghiệm… Do đó, để xác định cơ thể luôn khỏe mạnh thì chúng ta nên thường xuyên đi kiểm tra các xét nghiệm công thức máu và khám sức khỏe tổng quát, nhằm ngăn ngừa các dấu hiệu bệnh có thể xảy ra, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.

Số lượng tiểu cầu quá thấp có thể gây ra chảy máu. Còn số lượng tiểu cầu quá cao sẽ hình thành cục máu đông, làm cản trở mạch máu có thể gây nên đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nghẽn mạch phổi, tắc nghẽn mạch máu,…

Một số nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng tăng/ giảm tiểu cầu trong cơ thể:

  • Tăng: rối loạn tăng sinh tuỷ xương, bệnh tăng tiểu cầu vô căn, xơ hoá tuỷ xương, sau chảy máu, sau phẫu thuật cắt bỏ lách, các bệnh viêm.
  • Giảm: ức chế hoặc thay thế tuỷ xương, các chất hoá trị liệu, phì đại lách, đông máu trong lòng mạch rải rác, các kháng thể tiểu cầu, ban xuất huyết sau truyền máu, giảm tiểu cầu do miễn dịch đồng loại ở trẻ sơ sinh…

vinmec.com

 

Tiểu cầu là một loại tế bào máu có bản chất là protein được hình thành từ tủy xương và giải phóng vào máu. Tiểu cầu theo máu đi khắp cơ thể và thực hiện chứng năng chính của mình: cầm máu thông qua quá trình đông – cầm máu. Như vậy có thể thấy rằng đây là thành phần đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Một khi lượng tiểu cầu thấp, quá trình đông máu khó xảy ra dẫn đến nguy cơ bị mất nhiều máu do một tai nạn, chấn thương hay phẫu thuật. Một số trường hợp lượng tiểu cầu trong máu quá thấp sẽ xảy ra hiện tượng “chảy máu tự phát”, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Ngược lại, nếu lượng tiểu cầu trong máu tăng cao thì có thể đông máu dễ xảy ra đến nỗi có thể tự hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, gây tai biến và có thể tử vong.

Các rối loạn số lượng tiểu cầu thường là dấu hiệu nguy hiểm

Các rối loạn số lượng tiểu cầu thường là dấu hiệu nguy hiểm

Ở người bình thường, trong máu chứa khoảng 150-450 G/L máu, biến động tùy theo từng người. Những người có số lượng tiểu cầu nằm ngoài giới hạn cho phép có thể đang gặp các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khoẻ.

2. Xét nghiệm PLT được chỉ định khi nào?

Xét nghiệm đếm tiểu cầu có thể được tiến hành trong các xét nghiệm máu thường quy khi khám và điều trị bệnh.

Ngoài ra, xét nghiệm này có thể được chỉ định cho các người có dấu hiệu:

  • Chảy máu không rõ nguyên nhân.

  • Cơ thể có nhiều vết bầm tím không rõ nguyên nhân.

  • Chảy máu ở các vết thương nhỏ nhưng rất khó cầm máu.

  • Xuất huyết dạ dày hay các bệnh xuất huyết mãn tính.

  • Người mắc các bệnh: u tủy xương, ung thư máu, lupus,… cũng nên xét nghiệm tiểu cầu để kiểm tra, đánh giá tình trạng bệnh.

Vết bầm tím xuất hiện không rõ nguyên nhân có thể là do rối loạn số lượng tiểu cầu

Khi có các dấu hiệu bất thường nói trên, bạn nên gặp bác sĩ để được khám và xét nghiệm PLT sớm.

3. Quy trình xét nghiệm PLT

Quy trình xét nghiệm có thể được tóm tắt qua các bước sau:

  • Bước 1: Bệnh nhân khi thấy các dấu hiệu bất thường đến gặp bác sĩ và được thăm khám sơ bộ, chỉ định làm xét nghiệm PLT.

  • Bước 2: Lấy máu xét nghiệm. Lấy một lượng máu vừa phải ở tĩnh mạch (thường là tĩnh mạch cánh tay) cho vào ống xét nghiệm.

  • Bước 3: Đưa mẫu xét nghiệm vào phân tích bằng máy xét nghiệm máu chuyên dụng.

  • Bước 4: Trả kết quả. Bác sĩ đọc kết quả và kết luận bệnh.

4. Giá trị PLT cao hoặc thấp hơn bình thường ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ?

Xét nghiệm PLT tăng cao là khi chỉ số này > 450 G/L máu. Tiểu cầu nhiều hình thành các cục máu đông gây nên hiện tượng huyết khối, tắc mạch, cản trở máu lưu thông dẫn đến đột quỵ, tai biến. Nguyên nhân dẫn đến tăng chỉ số PLT là do rối loạn tăng sinh tuỷ xương, bệnh xơ hoá tuỷ xương, bệnh tăng tiểu cầu vô căn,… Sau khi bị chấn thương, chảy máu nhiều hoặc sau phẫu thuật cắt bỏ lách, các bệnh viêm cũng có thể làm tăng tiểu cầu trong máu.

Chỉ số PLT giảm dưới 150 G/L máu, tùy vào đáp ứng của cơ thể mỗi người có thể sẽ gặp các biến chứng khác nhau như: tình trạng mất máu do máu khó đông, nặng hơn là chảy máu tự phát. Các trường hợp bệnh nhân có chỉ số PLT giảm:

  • Xuất huyết giảm tiểu cầu.

  • Bệnh máu trắng (ung thư máu).

  • Bệnh nhân điều trị bằng các chất hoá trị liệu.

  • Bệnh phì lách.

  • Có kháng thể kháng tiểu cầu làm tiểu cầu bị huỷ hoại.

Bất kỳ tăng hay giảm số lượng tiểu cầu đều dẫn đến các tình trạng bệnh lý nguy hiểm. Vì thế cần làm xét nghiệm tiểu cầu sớm để được điều trị kịp thời.

5. Chẩn đoán các bệnh liên quan đến việc làm giảm chỉ số PLT

Phần lớn các rối loạn PLT chính là PLT thấp. Xét nghiệm PLT cho chỉ số thấp có thể là dấu hiệu cho các bệnh nguy hiểm. Khi bạn nghi ngờ mình bị giảm tiểu cầu thông qua các triệu chứng như: các vết bầm tím trên cơ thể, khó cầm máu, cơ thể mệt mỏi,… Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm sau để hỗ trợ chẩn đoán PLT thấp:

  • Xét nghiệm máu: xét nghiệm máu đếm số lượng tiểu cầu để xem có thấp hơn bình thường hay không, đồng thời có thể phát hiện được các loại protein kháng tiểu cầu có trong máu.

  • Xét nghiệm đông máu: Bệnh nhân sẽ được lấy máu cho vào ống đựng chung với các hoá chất cần thiết để làm xét nghiệm prothrombin và thời gian thromboplastin từng phần.

  • Siêu âm lá lách kiểm tra kích thước lá lách. Bởi vì một trong những nguyên nhân khiến tiểu cầu giảm đó là phì đại lá lách.

  • Chọc tủy và sinh thiết tủy xương trong trường hợp nghi ngờ bệnh lý ở tủy xương là nguyên nhân dẫn đến PLT giảm. Phương pháp này cũng giúp phát hiện sớm bệnh ung thư máu.

Phương pháp chọc tuỷ

Phương pháp chọc tuỷ

6. Các bệnh lý dẫn đến chỉ số PLT bất thường có điều trị được không?

PLT thấp là một tình trạng nguy hiểm. Tuỳ theo nguyên nhân dẫn đến tình trạng PLT thấp mà đánh giá và sử dụng các phương pháp điều trị khác nhau.

Đối với bệnh nhẹ thì nên có cách chăm sóc và dinh dưỡng phù hợp. Bác sĩ sẽ cho ngưng điều trị và theo dõi người bệnh để xem tình hình tiến triển của bệnh ra sao.

Đối với bệnh nặng và chuyển biến xấu thì bệnh nhân được khuyên là:

  • Tránh các môn thể thao nặng, tránh vận động mạnh.

  • Tránh các hoạt động gây nên bầm tím hoặc chảy máu.

  • Ngưng sử dụng rượu bia.

  • Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không sử dụng các thuốc ảnh hưởng đến tiểu cầu như aspirin và ibuprofen.

  • Khám định kỳ hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi bệnh được sát sao.

  • Báo ngay cho bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

medlatec.vn

 

Nên ăn gì để tăng tiểu cầu?

Tình trạng giảm tiểu cầu đột ngột có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cả cơ thể như xuất huyết ruột, xuất huyết não,… Do đó, cần có các biện pháp tăng tiểu cầu trong máu như dùng thuốc hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống. Trong đó, tăng số lượng tiểu cầu bằng chế độ ăn uống là phương pháp tự nhiên, an toàn, tránh được các tác dụng phụ không mong muốn.

1. Tiểu cầu là gì?

Máu chứa một số tế bào máu khác nhau, phục vụ các mục đích khác nhau. Các tế bào máu bao gồm hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu. Trong đó, tiểu cầu là tế bào đảm nhiệm nhiệm vụ đông máu trong trường hợp có vết thương, chảy máu ở mọi cơ quan trên cơ thể.

Để các tiểu cầu hoạt động bình thường, mỗi người cần có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, số lượng tiểu cầu có thể bị giảm đột ngột, gây ảnh hưởng tới sức khỏe tổng quát. Số lượng tiểu cầu thấp có thể do sốt virus, sốt xuất huyết, các bệnh lý về tủy xương (bệnh bạch cầu, ung thư hạch), hóa trị cho bệnh nhân ung thư, xơ gan, phì đại lá lách, tác dụng phụ của một số loại thuốc, uống nhiều rượu,…

Các triệu chứng giảm tiểu cầu chỉ xảy ra khi số lượng tiểu cầu đặc biệt thấp. Ở mức độ nhẹ, chúng hầu như không gây triệu chứng. Khi các triệu chứng xảy ra, chủ yếu là: Dễ bầm tím, có đốm đỏ sẫm trên da (đốm xuất huyết), đau đầu sau khi bị thương nhẹ, chảy máu tự phát hoặc chảy máu quá nhiều, chảy máu miệng hoặc mũi sau khi đánh răng,… Nếu số lượng tiểu cầu quá thấp, nó có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Do vậy, cần biết cách tăng số lượng tiểu cầu trong máu bằng cách dùng thuốc hoặc phương pháp tự nhiên – điều chỉnh chế độ ăn uống. Trường hợp mắc các bệnh như sốt xuất huyết giảm tiểu cầu, sốt virus, có thể bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân truyền tiểu cầu qua đường tĩnh mạch để khôi phục số lượng tiểu cầu bình thường.

 

Tiểu cầu
Tiểu cầu có tác dụng đông máu khi có vết thương hở

2. Ăn gì để tăng tiểu cầu?

Nếu đang tìm kiếm một phương pháp tăng tiểu cầu một cách tự nhiên, người bệnh có thể tăng cường tiêu thụ những loại thực phẩm dưới đây:

2.1 Thực phẩm giàu folate

Folate là một loại vitamin B rất cần thiết cho các tế bào máu, giúp tăng số lượng tiểu cầu. Axit folic chính là dạng tổng hợp của folate. Người lớn cần ít nhất 400mcg folate/ngày và phụ nữ mang thai cần 600mcg/ngày. Những thực phẩm có chứa folate hoặc axit folic gồm: Rau lá xanh đậm, gan bò, ngũ cốc ăn sáng, các loại sữa, cơm,…

Người dùng chú ý không tiêu thụ quá nhiều axit folic từ các chất bổ sung vì hàm lượng cao có thể gây cản trở chức năng của vitamin B12. Còn việc ăn nhiều thực phẩm giàu folate sẽ không gây ảnh hưởng gì;

Acid folic tồn tại trong các loại thực phẩm tự nhiên dưới dạng folate.
Tiểu cầu có thể tăng nhờ việc bổ sung thực phẩm giàu folate

2.2 Thực phẩm giàu vitamin B12

Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng cho sự hình thành của các tế bào hồng cầu. Mức độ vitamin B12 thấp có thể khiến số lượng tiểu cầu bị giảm. Người trên 14 tuổi cần 2,4mcg vitamin B12/ngày. Phụ nữ mang thai và cho con bú cần 2,8mcg vitamin B12/ngày.

Vitamin B12 có trong các sản phẩm từ động vật như: thịt bò và gan bò, trứng, cá hồi, cá ngừ, ngao, sò, các chế phẩm từ sữa. Những người ăn chay có thể ăn các thực phẩm như ngũ cốc, sữa hạnh nhân, cam, sữa đậu nành,… để bổ sung vitamin B12 cho cơ thể.

2.3 Thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Vitamin C còn giúp các tiểu cầu hoạt động tốt, tăng cường khả năng hấp thu sắt cho cơ thể (sắt là chất thiết yếu đối với tiểu cầu).

Có nhiều loại trái cây và rau quả giàu vitamin C, đó là bông cải xanh, trái cây họ cam quýt (cam, bưởi), quả kiwi, xoài, dứa, cà chua, lựu, dâu tây, ớt chuông,… Chú ý, vì nhiệt độ cao có thể làm phá hủy vitamin C nên tốt nhất bạn nên ăn sống các thực phẩm giàu vitamin C nếu có thể.

vinmec.com