Giải quyết vấn đề “Lý do nhân dân ra đường?”

Cơ sở lý luận

 

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần dựa trên:

  • Tư tưởng, đường lối “lấy dân làm gốc”, phòng chống dịch covid hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu, nguyện vọng của người dân đi lại, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của họ ở mức thấp nhất.
  • Biện pháp thực hiện: đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, đảm bảo được mục tiêu phòng chống dịch tốt nhất, theo phương pháp giám sát, kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý vi phạm.

 

 

Vận dụng xử lý vấn đề

 

Đầu tiên, cần xác định người dân đi lại để làm ăn, xử lý những vấn đề cấp bách, cấp thiết như cung ứng vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, chế biến lương thực thực phẩm và giao nhận hàng hóa thiết yếu… Tâm lý mỗi người đều sợ dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Vì thế, không ai lại dại gì ra đường vào lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này!

 

Thiết lập các trạm kiểm soát, vị trí và mật độ trạm kiểm soát cần theo yếu tố địa lý và lưu thông giữa các phân vùng nguy cơ (cao, trung bình và thấp), theo cách thức kiểm soát từ xa đến gần, ra và vào…

 

Trạm kiểm soát phải đảm bảo việc đi lại của người dân theo đúng Chỉ thị 16 của TTg Chính phủ là “giãn cách xã hội”, khoảng cách dừng để kiểm soát giữa người với người trên 2m, phân luồng 2 loại phương tiện chính là xe gắn máy và xe ô tô. Do vậy, nếu máy móc kiểm tra kỹ từng người, từng lý do, sẽ gây ra ùn tắc, và vô hình chung làm phản tác dụng, làm trái với chỉ thị 16 của Thủ tưởng chính phủ.

 

Do đó, nhiệm vụ của các các bộ chiến sỹ trạm kiểm soát là đảm bảo cho người đi lại theo đúng phân luồng. Mỗi trạm chia ra thành các tổ theo đúng chức năng như tổ kiểm tra, tổ hướng dẫn, tổ tuyên truyền xử lý.

 

Việc kiểm tra theo nghiệp vụ của cảnh sát giao thông, dựa trên dấu hiệu có khả năng vi phạm cao như quan sát phương tiện, biển số xe (có phân theo quận huyện, tỉnh thành), quan sát người điều khiển theo tác phong ăn mặc, mật độ người trên xe, và kiểm tra ngẫu nhiên hoặc 100% tùy theo tình hình lưu thông.

 

Biện pháp xử lý vi phạm

 

Với các phương tiện đã được kiểm tra, nếu không vi phạm, có thể dán 1 dấu hiệu (Logo của Ban phòng chống dịch, trạm số mấy, ngày giờ kiểm tra) để các trạm khác biết mà ứng xử cho phù hợp, để tránh kiểm tra chồng chéo.

 

Với các trường hợp vi phạm, theo quy định, luật pháp mà xử lý, trước tiên là tuyên truyền, nhắc nhở, tránh xử lý oan sai. Xử phạt chủ yếu ở những lỗi rõ ràng, hành vi cố ý, chống đối, coi thường pháp luật. Việc xử phạt nặng và nghiêm minh sẽ giúp hạn chế đối tượng xấu, gây nguy cơ lan tràn dịch bệnh đi ra đường.

 

Nguyễn Văn Đông